Bão và lũ lụt miền Bắc Việt Nam 2024

Đầu tháng 9 năm 2024, miền Bắc Việt Nam đã xảy ra thiên tai bãolũ lụt.

Diễn biến

Trước ngày 7 tháng 9

Trước đợt đổ bộ của siêu bão Yagi vào Việt Nam, báo chí trong nước đã loan tin về sự bất thường của tình trạng thời tiết tháng 8. Trả lời báo Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết nền nhiệt trung bình cả nước đạt 28,3 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc.[1] Đồng thời, tháng 8 năm 2024 cũng là lần thứ 6 không có bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong vòng 61 năm tại biển Đông tính từ năm 1963,[2] một điều rất hiếm khi xảy ra.[3] Hệ thống khí quyển Trái Đất đạt trạng thái trung tính sau một năm duy trì hình thế El Niño từ tháng 5 năm 2023, và được dự báo chuyển pha sang hiện tượng La Niña từ tháng 9 năm 2024 đến đầu năm 2025. Ông Khiêm cho rằng sẽ có bão hoặc áp thấp nhiệt đới với số đợt xấp xỉ hoặc hơn trung bình nhiều năm, các cơn bão có thể đổ bộ vào miền Trungmiền Nam Việt Nam nhiều hơn.[1] Nền nhiệt cao của biển, kết hợp với La Niña, được dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các cơn bão mạnh hơn, với cấp độ từ 11–12 trở lên.[2]

Ngày 30 tháng 8, Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã công bố báo cáo về sự hiện diện của một vùng áp thấp ở khu vực tây bắc Palau.[4] Đến ngày 1 tháng 9, áp thấp này mạnh lên thành bão nhiệt đới và được JMA đặt tên là Yagi.[5] Sáng ngày 2 tháng 9, bão Yagi di chuyển dọc theo bờ biển đảo Luzon, miền Bắc Philippines, gây ngập lụt ở nhiều khu dân cư địa phương.[6] Trong ngày này, các chuyên gia khí tượng đã cho rằng bão Yagi có xác suất đi vào biển Đông tới 90%,[7] ở thời điểm chiều và đêm ngày kế tiếp.[8] Sáng ngày 3 tháng 9, bão Yagi đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024, di chuyển theo hướng tây tây bắc.[9] Yagi mạnh lên thành siêu bão vào trưa ngày 5 tháng 9, sức gió đạt 201 km/h (cấp 16).[10] Cơn bão này đổ bộ vào thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với sức gió trên cấp 17 lúc 16:20 ngày 6 tháng 9 theo giờ địa phương (CST).[11] Đến 22:20 cùng ngày, bão Yagi tiếp tục đổ bộ lần hai vào Trung Quốc tại huyện Từ Văn, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.[12]

Ngày 7 tháng 9

Ngày 7 tháng 9, bão Yagi đi vào vịnh Bắc Bộ, tăng tốc từ lúc rời đảo Hải Nam. Theo JTWC, do điều kiện thuận lợi, bão Yagi dự kiến mạnh lên đến ít nhất 215 km/h trong 6–12 giờ tới trước khi đổ bộ vào Việt Nam.[13]

7 giờ sáng, cơn bão càn quét đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cô Tô (Quảng Ninh) với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; khiến nhiều cây cối ngã đổ và hư hại hạ tầng. Các địa phương ở đất liền như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã có gió mạnh cấp 7–9.[14] Chiều ngày 7 tháng 9, bão đổ bộ vào đất liền Hải Phòng và Quảng Ninh với cường độ gió mạnh cấp 12–14, giật cấp 14–17; thiệt hại về nhà cửa, gãy đổ cây xanh, cột điện gây ra mất điện lâu dài ở Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó Hải Phòng ghi nhận nhiều nơi bị cắt điện, nhiều nhà dân bị tốc mái tôn, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, các khu vực chăn nuôi bị thiệt hại. Các tỉnh thành khác ở đồng bằng Bắc Bộ và trung du miền núi Bắc Bộ cũng chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh.[15]

Ngày 8 tháng 9

Sáng ngày 8 tháng 9, sau khi đi vào Bắc Bộ, bão Yagi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.[16] Các cơ quan cấp cao của Việt Nam đã phát động khẩn trương công tác khắc phục hậu quả các thiệt hại của bão gây ra. Thành phố Hải Phòng cùng các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình đã thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, tìm người mất tích.[17] Tại Hà Nội, báo cáo nhanh cho thấy bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương, hàng nghìn cây gãy đổ; ngập 1.700 ha lúa. Trong ngày, gió đã giảm nhẹ, mưa nhỏ. Hà Nội đã cử các lực lượng tiến hành xử lý các cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.[17]

Ngày 9 tháng 9

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm qua và sáng sớm nay (9/9), ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 8/9 đến 3h ngày 9/9 có nơi trên 150 mm như: An Phú (Yên Bái) 256,4 mm, Minh Tiến (Yên Bái) 219,2 mm, Gia Phú (Lào Cai) 157,8 mm, Nấm Dẩn (Hà Giang) 153,4 mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 219,2 mm... Mực nước của một số sông ở miền Bắc ở mức báo động 2, báo động 3.[18]

Khoảng 10 giờ sáng ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra vụ sập nhịp cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông) và xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao).[19] Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe môtô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.[20]

Ngày 10 tháng 9

Vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70–150 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm. Từ đêm 10/9 đến ngày 11/9, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40–80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.[21]

Ở Tây Bắc Bộ, một số tỉnh thành như Yên Bái, Lào Cai và miền núi Đông Bắc Bộ xảy ra tình trạng sạt lở đất khiến cho nhiều người thiệt mạng, mất tích. Một số tỉnh thành ở Đông Bắc Bộ, mực nước ở một số sông lên cao, gây ra tình trạng ngập lụt.[21] Một vụ sạt lở tại Bắc Hà, Lào Cai đã làm 18 người chết và mất tích, đồng thời vùi lấp 8 ngôi nhà tại khu vực. Do địa hình bị sạt lở chia cắt giao thông và mất tín hiệu viễn thông nên công tác thông tin giữa huyện và vùng sạt lở bị gián đoạn.[22]

Ngày 11 tháng 9

Theo trang đưa tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, vào ngày 11 tháng 9, bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (bao gồm 26 tỉnh, thành phố), trong đó hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Theo số liệu đua ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê một số thiệt hại về người và tài sản đến 11 giờ ngày 11 tháng 9, đã có tới 152 người chết và 140 người mất tích.[23] Tối cùng ngày, thành phố Cẩm Phả đã tổ chức di dời khẩn cấp 136 hộ dân nằm trong vùng do có nguy cơ sạt lở do nghi khu vực đồi cao bị úng nước trong đất.[22] Về nông nghiệp, số ha diện tích lúa bị ngập lụt đã lên tới hơn 160.000. Những thiệt hại khác về diện tích hoa màu, lồng bè thủy sản, gia cầm và gia súc chăn nuôi lên tới hàng trăm, hàng nghìn đơn vị. Do thời gian hoàn lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 101.344 nhà ở bị hư hỏng.[23]

Mực nước lũ lên cao đồng thời gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê ven sông. Tình trạng sạt lở cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí điểm yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. Các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình cũng bị ảnh hưởng.[24]

Ngày 12 tháng 9

Ngày 12 tháng 9, hoàn lưu bão số 3 lại gây mưa lớn, sạt lở tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nơi đã xảy ra những tai nạn nghiêm trọng. Dù có một số sông như sông Thao, sông Lô đã giảm mức báo động 2 và 1, nhưng một số các sông mực nước vẫn đang dâng cao, rút chậm gây xáo trộn đời sống người dân tại khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Yên Bái để kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời thăm hỏi và động viên người dân và lực lượng tham gia ứng phó, cứu nạn tại đây.[22]

Đến 17 giờ cùng ngày, tổng cộng số người chết cũng như mất tích do bão và mưa lũ gây ra đã lên tới 330 người. Đến đêm, các tỉnh Bắc Bộ và Hà Nội tiếp tục có mưa rào rải rác và dông.[22]

Ngày 13 tháng 9

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, sau khi siêu bão đi qua là khoảng thời gian lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sau hoàn lưu bão liên tiếp. Những điều này gây nên nỗi khủng hoảng cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người dân tại khu vực Bắc Bộ. Trong những ngày sau bão đến ngày 13 và những ngày kế tiếp là công tác khắc phục hậu quả bão lũ vẫn đang được thực hiện một cách "khẩn trương". Trong chiều ngày này, Quân đội Việt Nam đã điều động trực thăng quân sự từ Hà Nội nhằm hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp tục tiếp ứng cho đồng bào tại các khu vực đang bị cô lập, giao thông chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ ở huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để tiếp ứng cho người dân vùng lũ. Tới 17 giờ, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng.[25] Tổng số người chết và mất tích được thống kê tới 336 người.[26]

Ngày 14 tháng 9 và sau đó

Đến ngày 14 tháng 9, các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ thời tiết đã có sự cải thiện khi lượng mưa đã giảm. Công tác khắc phục hậu quả mưa bão tiếp tục được chính quyền các cấp triển khai khẩn trương. Đến 17 giờ cùng ngày, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương 1.001 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ. Trong khi đó số người chết và mất tích vẫn được thống kê tăng lên 352 người.[27]

Nhận định

Theo nhiều trang báo đưa tin, bão số 3 được cho là có nhiều "điểm dị thường" như tăng cấp nhanh, thời gian duy trì cấp độ siêu bão lâu mà "không giảm cấp theo quy luật thông thường", cũng như việc hoàn lưu bão cũng bất thường khi gây mưa rất lớn cho khu vực không nằm trong hoàn lưu bão.[28][29] Theo VnExpress, bão Yagi tăng cấp nhanh "bất thường" và có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua một phần do nhiệt độ nước biển Đông tăng mạnh.[29] Cũng do tác động của mưa lớn từ siêu bão mà, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3, thậm chí lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73 m, trên mức báo động 3 3,73 m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968.[28]

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã thể hiện cảm xúc bật khóc trước công chúng khi nói về những mất mát của người dân do bão Yagi gây ra và ông "khẳng định quyết tâm khắc phục hậu quả của cơn bão lịch sử này".[30] Ông đánh giá rằng, công tác dự báo "cơ bản sát tình hình", ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão "chưa thật chính xác". Theo đó ngoài những nguyên nhân khách quan đến từ hậu quả trực tiếp mà bão và lũ lụt gây ra, còn do người dân chủ quan như một số người chưa tuân thủ khuyến cáo, lãnh đạo có nơi chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu.[30]

Thiệt hại

Tình hình chung

Thời báo Tài chính cũng cho biết tới ngày 15 tháng 9, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu của bão và lũ lụt gây ra trên 31.596 tỷ đồng và vẫn được các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.[31]

Sập cầu Phong Châu

Vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9 tháng 9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam NôngLâm Thao của tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng bị sập nhịp, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ bên phải phía sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông. Theo thông tin ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện), khiến cho 8 người mất tích, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.[32][33] Vào tối cùng ngày, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ đã công bố nguyên nhân về sự cố gây ra sập, trôi cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C là do ảnh hưởng của bão số 3.[34] Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ ban đầu xác định bão khiến mưa lũ, nước sông dâng, chảy xiết, dẫn đến thay đổi địa hình dưới cầu, làm sập hai nhịp cầu.[35]

Ngày 13 tháng 9, UBND tỉnh Phú Thọ mới có thể gửi văn bản gửi các Sở, ban ngành liên quan về việc thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sự cố sập cầu Phong Châu do nước lũ lúc này mới xuống mức báo động 1.[36] Chiều ngày sau đó, mực nước sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống mức dưới báo động 1 nhưng dòng chảy vẫn rất mạnh khiến cho việc tìm kiếm, giải cứu nạn các nạn nhân mất tích gặp khó khăn, đồng thời việc lắp đặt cầu phao qua sông vẫn chưa được tiến hành.[37] Sáng ngày 15 tháng 9, Sau khi tìm thấy 1 thi thể trôi dạt cách khoảng 10 km về phía hạ lưu sông Hồng, lực lượng chức năng đã xác nhận được danh tính nạn nhân đầu tiên được tìm thấy trong vụ sập cầu.[38] Trưa ngày 16, một thi thể nam giới khác được tìm thấy và cũng được xác định là nạn nhân trong vụ sập cầu.[39]

Lũ quét Làng Nủ

Vào ngày 10 tháng 9, một trận lũ quét nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), khiến cho 37 ngôi nhà bị chôn vùi, kéo theo đó là 51 người chết và 33 người mất tích. Núi Con Voi được xem là nơi chứa lượng đất đá khổng lổ cuốn theo dòng nước lũ đã san phẳng 37 căn nhà tại Làng Nủ, chỉ còn 2 ngôi nhà còn nguyên vẹn.[40] 1 ngày sau đó, thời tiết vẫn đổ mưa lớn, nước tiếp tục chảy xuống từ các khe núi khiến cho công tác cứu hộ chưa thể tiếp cận được hiện trường để tìm thi thể các nạn nhân. Do đường vào thôn này bị tắc nên người dân bị cô lập hoàn toàn, đặc biệt trong khu vực lũ quét. 100 chiến sĩ đã được điều động để tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin.[40] 14 giờ cùng ngày các lực lượng chức năng tìm thấy thêm 5 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng được 30 người.[41]

Tổng số người chết và mất tích trong vụ lũ quét ở Làng Nủ theo thống kê ngày 15 tháng 9 là 66, giảm 29 người so với số liệu công bố ban đầu.[42][43]

Báo VnExpress đã đưa ra 5 nguyên nhân gây ra sự việc, trong đó là các ý kiến đến từ những chuyên gia khác nhau. Theo đó, yếu tố địa hình, độ dốc, địa chất, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu với những đợt mưa lớn sau bão là nguyên nhân tác động đến hiện tượng lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ cũng như các tỉnh vùng núi khác.[44] Theo Tuổi Trẻ đưa tin, mỗi hộ dân chịu thiệt hại từ vụ lũ quét sẽ được bố trí từ 50 đến 60m2 diện tích đất ở tạm cư trong khoảng thời gian chờ khu tái định cư hoàn thiện. Khu tạm cư được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.[43]

Vỡ đê sông Lô

Đối phó tình thế

Ảnh hưởng xã hội

Cứu trợ quốc tế

  •  Úc: Ngày 11 tháng 9, Úc chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp cho Việt Nam, và công bố khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.[45]
  •  Hoa Kỳ: Thông qua cơ quan USAID, Hoa Kỳ đồng ý viện trợ 1 triệu USD để hỗ trợ khắc phục những thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Việt Nam.[46]

Tham khảo

  1. ^ a b Khánh Ly (31 tháng 8 năm 2024). “Tháng 8 Biển Đông không có bão, sắp tới liệu thiên tai có khốc liệt?”. Báo Tài nguyên và Môi trường. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  2. ^ a b Đình Huy (1 tháng 9 năm 2024). “Biển Đông không có bão, tháng 8 có bất thường?”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  3. ^ Nguyễn Hoài (31 tháng 8 năm 2024). “Thời tiết tháng 8 bất thường khắp cả nước”. Báo Tiền Phong. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  4. ^ Warning and Summary 301800 (Bản báo cáo). Tokyo, Japan: Japan Meteorological Agency. 30 tháng 8 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2024.
  5. ^ Prognostic Reasoning No. 3 for TS Yagi (2411) (Bản báo cáo). Tokyo, Japan: Japan Meteorological Agency. 1 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2024.
  6. ^ Thương Nguyệt (2 tháng 9 năm 2024). “Bão Yagi "nhấn chìm" miền Bắc Philippines, đi vào Biển Đông từ chiều mai”. Báo Hà Nội Mới. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  7. ^ Văn Phúc (2 tháng 9 năm 2024). “Xác suất 90% bão Yagi vào Biển Đông thành bão số 3 siêu mạnh”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  8. ^ Thắng Trung (2 tháng 9 năm 2024). “Bão YAGI sắp đi vào Biển Đông, khả năng đạt cấp bão rất mạnh”. VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  9. ^ Chí Tuệ (3 tháng 9 năm 2024). “Yagi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3, liên tục tăng cấp”. Báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  10. ^ Gia Chính (5 tháng 9 năm 2024). “Yagi mạnh lên thành siêu bão”. VnExpress. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  11. ^ Phạm Lanh. “Bão Yagi đổ bộ vào huyện Từ Văn, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc”. Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  12. ^ TTXVN. “Trung Quốc: Siêu bão Yagi đổ bộ lần thứ hai gây nhiều thương vong”. Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  13. ^ Thanh Hà (7 tháng 9 năm 2024). “Bão số 3 Yagi đang tăng tốc, chưa có dấu hiệu suy yếu”. Báo Lao động. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  14. ^ Chí Tuệ. “Hình ảnh mới nhất từ đảo Bạch Long Vĩ, mưa gió mạnh dần khi bão số 3 tiệm cận”. Báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  15. ^ “Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía bắc”. Báo Nhân Dân điện tử. 8 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  16. ^ “Tin cuối cùng về BÃO SỐ 3 (YAGI); CẢNH BÁO mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất”. Chuyên mục Xây dựng chính sách, pháp luật – Báo Điện tử Chính phủ. 8 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  17. ^ a b “Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đề phòng mưa lớn, lũ quét, sạt lở”. Báo Chính phủ. 8 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  18. ^ Lý Đào (9 tháng 9 năm 2024). “Dự báo thời tiết 9/9/2024: Bắc Bộ mưa rất to, lũ trên sông Thao uy hiếp nhà dân ở Yên Bái”. VietNamNet. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  19. ^ Yến Thi (10 tháng 9 năm 2024). “Toàn cảnh vụ sập cầu Phong Châu: Thấp thỏm mong tin 8 nạn nhân mất tích”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  20. ^ Vietnam+ (VietnamPlus) (10 tháng 9 năm 2024). “Toàn cảnh vụ sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ”. Vietnam+ (VietnamPlus). Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  21. ^ a b Lý Đào (10 tháng 9 năm 2024). “Dự báo thời tiết 10/9/2024: Hà Nội mưa to, lũ lụt nhiều nơi ở Bắc Bộ”. VietNamNet. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2024.
  22. ^ a b c d “Trực tiếp diễn biến mưa lũ, sạt lở ngày 12/9 tại miền Bắc sau bão số 3”. VietnamPlus. 12 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  23. ^ a b Nguyễn Hồng Điệp (11 tháng 9 năm 2024). “Tổng hợp thiệt hại bão số 3 và mưa lũ đến 11 giờ ngày 11/9”. Báo Tin tức. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  24. ^ Ban Truyền Thông EVN (11 tháng 9 năm 2024). “Thông tin cập nhật lúc 09h ngày 11/9/2024 về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đến vận hành và cung cấp điện”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2024.
  25. ^ Hoàng Thị Hoa (13 tháng 9 năm 2024). “Tái thiết sau bão siêu bão Yagi: Đồng hành lúc dân cần, khi dân khó”. Báo tin tức. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  26. ^ “Trực tiếp diễn biến mưa lũ, sạt lở sau bão số 3 tại miền Bắc ngày 13/9”. VietnamPlus. 13 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  27. ^ Hoàng Vân (14 tháng 9 năm 2024). “Ghi nhận thêm 14 nạn nhân tử vong do bão số 3 và hoàn lưu bão”. Báo Tin tức. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  28. ^ a b Tô Hội (15 tháng 9 năm 2024). “Nhìn lại cơn bão số 3 với những con số ám ảnh”. Báo Sức khỏe và Đời sống. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  29. ^ a b An Khang (10 tháng 9 năm 2024). “Điểm dị thường khiến bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  30. ^ a b Viết Tuân (15 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng bật khóc khi nói về mất mát do bão Yagi gây ra”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  31. ^ Khánh Linh (15 tháng 9 năm 2024). “Bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại kinh tế ước tính trên 31.596 tỷ đồng”. Thời báo Tài chính Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  32. ^ “Toàn cảnh vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ ngày 9/9/2024”. Báo tin tức. 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  33. ^ Nguyễn Hướng; Minh Chiến (14 tháng 9 năm 2024). “Cận cảnh tìm kiếm 8 nạn nhân mất tích, trục vớt nhịp cầu Phong Châu bị sập”. Người Lao Động. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  34. ^ Tô Công (9 tháng 9 năm 2024). “Công bố chính thức nguyên nhân sập cầu Phong Châu”. Báo Lao Động. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  35. ^ Phạm Chiểu; Phạm Dự (11 tháng 9 năm 2024). “Hiện trường cầu sập khiến 13 người mất tích”. VnExpress. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024.
  36. ^ TTXVN (13 tháng 9 năm 2024). “Vụ sập cầu Phong Châu: Triển khai tìm kiếm người mất tích sau khi nước sông rút”. Báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  37. ^ Phạm Trường; Viết Hà (14 tháng 9 năm 2024). “Vụ sập cầu Phong Châu: Vì sao chưa thể lắp đặt cầu phao?”. Báo điện tử Tiền Phong. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  38. ^ Việt An (15 tháng 9 năm 2024). “Tìm thấy thi thể đầu tiên vụ sập cầu Phong Châu”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  39. ^ Tô Công (16 tháng 9 năm 2024). “Thi thể trôi sông được xác định là nạn nhân sập cầu Phong Châu”. Báo Lao Động. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2024.
  40. ^ a b “Toàn cảnh trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ”. Báo Dân Việt. 15 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  41. ^ thanhnien.vn (11 tháng 9 năm 2024). “Lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ: Tìm thấy thêm 5 thi thể”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  42. ^ Hoài Thu (15 tháng 9 năm 2024). “Vụ lũ quét ở Làng Nủ: Giảm 29 người chết và mất tích so với số liệu ban đầu”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  43. ^ a b Thành Chung (15 tháng 9 năm 2024). “Nạn nhân vụ lũ quét Làng Nủ: 66 người chết và mất tích”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  44. ^ Như Quỳnh; Hà An (17 tháng 9 năm 2024). “5 nguyên nhân khiến lũ quét, sạt lở tàn phá Làng Nủ”. VnExpress. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.
  45. ^ Thùy Dung (12 tháng 9 năm 2024). “Australia viện trợ nhân đạo 3 triệu AUD cho Việt Nam ứng phó với bão số 3”. Báo Điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2024.
  46. ^ Thành Đạt (11 tháng 9 năm 2024). “Mỹ hỗ trợ 1 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó sau bão Yagi”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2024.

Liên kết ngoài